Hồ Sơ Doanh Nghiệp

Doanh nghiệp ngành thép dần phục hồi

07:02 15/05/2023

So với giai đoạn cuối năm 2022, doanh nghiệp ngành thép trong quý I/2023 đã ghi nhận sự phục hồi về lợi nhuận nhờ giá thép tăng, quản lý tốt hàng tồn kho và chi phí.

Bức tranh kết quả kinh doanh của ngành thép trong quý I/2023 đã xuất hiện những điểm sáng sau hai quý sụt giảm liên tiếp. Kết quả cũng phần nào phản ánh đúng nhận định của tỷ phú Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát rằng “giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua”.

Lợi nhuận cải thiện

Là doanh nghiệp đầu ngành, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) – đơn vị nắm khoảng một phần ba thị phần thép xây dựng – ghi nhận doanh thu quý I/2023 đạt 26.865 tỷ đồng giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp ngắt mạch thua lỗ hai quý liên tiếp với lợi nhuận hơn 380 tỷ đồng, đạt 5% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, lĩnh vực sản xuất thép và sản phẩm liên quan vẫn là chủ lực và đóng góp 94% lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn.

Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II niên độ tài chính 2022-2023 (từ 1/1/2023 đến 31/3/2023) với doanh thu hợp nhất đạt 6.981 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 251 tỷ đồng, tăng 7% – ngắt mạch thua lỗ hai quý liên tiếp.

Lũy kế trong 6 tháng đầu niên độ 2022 – 2023, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 14.898 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 430 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 873 tỷ đồng.

Quý I/2023, Thép Nam Kim (HoSE: NKG) ghi nhận lỗ 49 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 3 liên tiếp thua lỗ, song con số này đã giảm so với con số hàng trăm tỷ của hai quý trước đó. Thép Tiến Lên ghi nhận lãi sau thuế quý I/2023 đạt 6,2 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã cải thiện với quý liền trước.

Tương tự, Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel – TVN) báo lãi sau thuế 68 tỷ đồng quý I/2023 giảm 65% so với cùng kỳ 2022. Kết quả này đã tăng trưởng tích cực so với 3 quý lỗ nặng liên tiếp trước đó.

Lợi nhuận ngành thép cải thiện hơn giai đoạn cuối năm trước, được các doanh nghiệp lý giải chủ yếu do các giải pháp quản trị nội bộ. Theo Hòa Phát, sức cầu vẫn chưa được cải thiện trong quý I.

Do đó, công ty có kết quả kinh doanh khả quan do quản trị hàng tồn, nguyên liệu và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường phát huy hiệu quả. Với Hoa Sen, công ty quản lý tốt các khoản chi phí thường xuyên, giảm trên 40% so với cùng kỳ năm trước.

Ban lãnh đạo của một số doanh nghiệp chia sẻ rằng, nhu cầu tiêu thụ thép vẫn sẽ yếu trong suốt cả năm 2023, tình hình bán hàng trong quý III/2023 rất khó dự báo và sẽ phải rất nỗ lực để hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm.

Tồn kho tăng nhẹ

Sau hai quý sụt giảm mạnh liên tiếp, tồn kho toàn ngành thép đã nhích nhẹ trở lại sau quý đầu năm nay. Tổng lượng tồn kho – đã bao gồm dự phòng giảm giá của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán cuối quý I/2023 ước tính vào khoảng 68.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm ngoái.

Thực tế, sau khi đẩy lượng tồn kho lên mức kỷ lục vào cuối quý II/2022, các doanh nghiệp thép đã đồng loạt giảm mạnh tích trữ trong nửa cuối năm. Dù tăng nhẹ sau quý đầu năm nay nhưng tồn kho của các doanh nghiệp thép vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung giai đoạn quý II/2021 đến quý III/2022.

Nhìn chung, tồn kho của các doanh nghiệp thép không có nhiều biến động lớn sau quý đầu năm. Hòa Phát có mức tồn kho gần như đi ngang ở mức 34.306 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng giá trị tồn kho của toàn ngành thép.

Đáng chú ý, dự phòng giảm giá tại thời điểm 31/3/2023 của Hoà Phát chưa đến 290 tỷ đồng trong khi con số cuối năm ngoái lên đến hơn 1.200 tỷ đồng.

Tồn kho của Hoa Sen tại ngày 31/3/2023 là 7.192 tỷ đồng, giảm 918 tỷ đồng so với đầu niên độ. Thép Nam Kim có tồn kho hơn 6.478 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 51% trong cơ cấu tài sản của công ty. VnSteel tồn kho 5.478 tỷ đồng cuối quý I/2023. Hàng tồn kho của Thép Tiến Lên ở mức 2.850 tỷ đồng, chiếm hơn 69% tổng tài sản…

Không chỉ riêng Hòa Phát, Hoa Sen, Thép Nam Kim,… cũng đều đã giảm mạnh dự phòng giảm giá so với thời điểm cuối năm ngoái. Xu hướng tăng của giá thép trong 3 tháng đầu năm là yếu tố chủ yếu giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực dự phòng giảm giá.

Những gì khó khăn nhất đã ở lại phía sau?

Dự báo về tương lai, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn ngành thép cùng chung quan điểm khả quan. Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cho rằng giai đoạn khó khăn của ngành thép đã qua, nội lực của ngành vẫn tốt. Tuy nhiên trong thời gian tới, việc phục hồi sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào lực cầu, hiện vẫn thấp.

Tương tự, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ cho biết thời điểm xấu nhất ngành thép đã qua đi, công ty cũng hết tồn kho giá cao.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép, Chứng khoán VnDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành thép trong quý II/2023 sẽ tiếp tục được cải thiện so với quý trước đó.

Mặc dù vậy, việc nhu cầu thép được dự báo vẫn sẽ yếu trong các tháng tới, biên lợi nhuận của các công ty trong ngành có thể vẫn sẽ gặp nhiều biến động, đặc biệt là nhóm công ty nhỏ với kỹ năng quản lý hàng tồn kho hạn chế hơn.

Hồ sơ doanh nghiệp - Doanh nghiệp ngành thép dần phục hồi

VnDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành thép trong quý II/2023 sẽ tiếp tục được cải thiện (Ảnh: Hữu Thắng).

Triển vọng ngành bất động sản dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60 – 65% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm.

Kể từ quý II/2022, ngành bất động sản nội địa chững lại sau hàng loạt sự kiến bắt giữ một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản lớn vi phạm quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất mua nhà tăng và room tín dụng hạn chế.

VnDirect kỳ vọng nguồn cung bất động sản nội địa sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi Luật đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà.

Nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2023. Do đó, mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023.

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia phân tích VnDirect, khó khăn nhất đã qua nhưng vẫn cần cẩn trọng trong thời gian tới.

Tất cả các công ty đều đặt kế hoạch kinh doanh 2023 có lãi ròng trở lại, tích cực hơn rất nhiều so với việc liên tiếp báo lỗ trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ yếu trong suốt cả năm 2023, tình hình bán hàng trong quý III/2023 rất khó dự báo và sẽ phải rất nỗ lực thì nhóm các công ty này mới có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm.

Theo : Báo Người đưa tin

Link Nguồn : https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-nganh-thep-dan-phuc-hoi-a607739.html

Tin liên quan

Đạt Phương chi gần 63 tỷ đồng trả cổ tức, trúng nhiều gói thầu lớn

Điểm sáng tài chính trong 3 tháng đầu năm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương là nợ phải trả giảm 246 tỷ đồng. Chi trả bằng tiền mặt Ngày 30/5, ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (HoSE: DPG), đã ký quyết định về […]

Vietjet sắp phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp

Nhằm bổ sung nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty để chi trả các chi phí hoạt động, Vietjet muốn phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) vừa ban hành nghị quyết thông qua phương án phát hành 2.000 tỷ […]

Các công ty đầu tư “cất giấu” tài sản của tỷ phú Việt

Từ Chủ tịch Vingroup, Masan hay THACO đều ít sở hữu trực tiếp cổ phiếu, thay vào đó họ chỉ giữ chức lãnh đạo và nắm giữ vốn của doanh nghiệp thông qua công ty riêng. Trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2023 của Forbes, Việt Nam có 6 đại diện bao gồm: […]

Sau kiểm toán, kỳ lân VNG nâng mức lỗ lên hơn 1.500 tỷ đồng

Sau khi cổ phiếu VNZ bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do chậm nộp kiểm toán, VNG đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán với khoản lỗ sau thuế 1.533,9 tỷ đồng. Công ty Cổ phần VNG (UPCoM: VNZ) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 được […]

Con gái ông Bùi Thành Nhơn muốn mua 3,45 triệu cổ phiếu Novaland

Trong khi 2 cổ đông lớn nhất của Novaland là NovaGroup và Diamond Properties đăng ký bán ra hàng chục triệu cổ phiếu NVL thì con gái Chủ tịch Novaland lại mua vào. Bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh, con gái ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No […]

Bỏ túi thêm hơn 170 tỷ, tài sản đại gia 59 tuổi người Hải Phòng vượt mốc 4.460 tỷ đồng

Cùng với đà tăng ấn tượng của thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch đầu tuần, khối tài sản của đại gia 59 tuổi người Hải Phòng này cũng tăng thêm tới 179 tỷ đồng. Sau tuần giao dịch lình xình giằng co nhẹ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên giao […]