Ba Vì: Cần kiểm tra, xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất nông trường
Theo dõi MTĐT trên
Đất nông trường bị “xẻ thịt”, ngang nhiên khai thác, xây dựng trái quy định pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, biến dạng địa hình, ô nhiễm môi trường, phá vỡ kết cấu đất… Đó là những gì đang diễn ra tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Đất nông trường vẫn bị “xẻ thịt”
Những năm qua, UBND thành phố Hà Nội đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, siết chặt kỉ cương, vai trò trách nhiệm quản lý cấp cơ sở về đất đai, tình trạng buôn bán trao tay, xây dựng trái phép trên đất nông trường ở nhiều nơi tại huyện Ba Vì… Việc buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết trong xử lý của chính quyền dẫn đến nhiều tài nguyên bị thất thoát, đất nông trường bị “xẻ thịt”, công trình xây dựng trái phép mọc tràn lan làm phá vỡ bộ mặt quy hoạch đô thị của thành phố Hà Nội.
Thế nhưng, tình trạng này vẫn xảy ra và “nóng” hơn bao giờ hết tại xóm Cống Trắng, thôn Việt Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội.
Thực tế ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam tại xóm Cống Trắng xuất hiện công trình “khủng” xây dựng trái quy định trên cùng một mảnh đất nông trường (đất nông nghiệp – đất trồng cây lâu năm do Nông trường Việt Mông quản lý và giao khoán cho hộ dân canh tác). Kế bên là cả một quả đồi đã bị cào bới khai thác nham nhở và san lấp diện rộng…
Quan sát tổng thể tại đây trông giống như một homestay đang được xây dựng rầm rộ, nền dưới được đổ bê tông kiên cố, trên dựng khung sắt, và đang lợp mái. Xung quanh 3 căn nhà đang dựng hoàn thiện này được kè bờ bằng bê tông chắc chắn. Cách đó không xa là móng nhà được đổ bê tông kiên cố chờ sẵn và một nhà lợp tôn phía cổng vào…



Để làm rõ thông tin, PV đã làm việc và trao đổi với bà Lê Hoài Thu (đại diện 3 chủ công trình xây dựng trái phép) cho biết: Khu đất đang xây dựng trên nằm trong 300m2 đất ở thuộc diện tích 6.000m2 đất nông trường của 3 chị em bà ( Bùi Thị Thu Hằng, Lê Hoài Thu và bà Phạm Thị Phương Lan) nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Danh Thạo khá lâu rồi. Với tổng diện tích 6.000m2 đất nông trường do các cá nhân tự chuyển nhượng cho nhau, không có xác nhận của chính quyền.
Bà Thu cho biết, ban đầu 3 chị em dự định xây nhà cao tầng, tuy nhiên, UBND xã Yên Bài kiểm tra không cho xây và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Chúng tôi cũng tuân thủ không xây nhà cao tầng nữa, mà chuyển sang lắp ghép, mái tôn quây kính. Trước khi làm có làm đơn lên xã xin phép xây nhà trông nom đất, và cam kết với xã, nếu Nhà nước có dự án ở đó, phải di dời thì gia đình không đòi hỏi bồi thường gì cả.
Để làm rõ vai trò quản lý của địa phương đối với các hộ xây dựng nhà, khai thác đất trên đất nông trường, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Lập – Chủ tịch UBND xã Yên Bài. Liên quan đến các hộ xây dựng nhà trên đất nông trường, ông Lập cho biết: Phần tường bao, kè sạt lở họ đã làm từ lâu. Khi mình tiếp nhận công việc, anh em phát hiện họ đổ bê tông, lúc đó, chính quyền địa phương, cùng cán bộ địa chính, công an cương quyết không cho dựng nhà kiên cố, và đình chỉ dừng lại toàn bộ công trình đó.

Cũng theo ông Lập, do khu đất này có 300m2 đất ở, nên xã căn cứ vào đó cho phép họ xây dựng nhà tạm, họ cũng đã làm bản cam kết không xây dựng nhà kiên cố, chỉ xây nhà tạm có chỗ ở để trông coi. Cũng cam kết luôn là không bao giờ được xây dựng nhà kiên cố trên đất này.
Còn chỗ đổ bê tông (nền móng nhà đổ bê tông kiên cố – PV), ông Lập cho biết là sau khi phát hiện họ đổ bê tông để xây dựng nhà kiên cố thì xã đã chỉ đạo dừng, và giữ nguyên hiện trạng. Khi họ xây dựng nhà tạm thì xây dựng tiếp trên chỗ cũ.
Liên quan đến tình trạng khai thác, san lấp đất ngay đối diện chỗ 3 căn nhà đang xây dựng, với những vết tích múc đất còn mới, ông Lập cho biết, chỗ múc đất cũng tồn tại từ lâu, khi anh em nắm được xử lý thì không tồn tại việc chở đất trên địa bàn xã Yên Bài nữa. Chỗ đó, UBND huyện chỉ đạo đã thành lập tổ xử lý và kiểm tra, giữ nguyên hiện trạng và giao UBND xã nếu bây giờ mà múc đi 1 xe đất thì UBND xã chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Trái với chỉ đạo của cấp trên
Được biết, đối với các công trình trên, UBND xã Yên Bài đã ban hành một loạt các Quyết định cưỡng chế: số 223/QĐ-UBND ngày 20/12/2022; số 235/QĐ-UBND ngày 30/12/2022; số 27/QĐ-UBND ngày 15/01/2023; với nội dung cưỡng chế buộc phá dỡ, tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng vi phạm chuyển ra khỏi vị trí thửa đất vi phạm, do “tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm) sang đất phi nông nghiệp khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép với tổng diện tích từng căn là 55m2 (công trình xây dựng dạng nhà ở). Thời gian thực hiện 10 ngày kể từ ngày ký quyết định.

Căn cứ nội dung các quyết định cưỡng chế của UBND xã Yên Bài, lẽ ra, đến nay, phần tường bao, kè sạt lở và các nền móng đổ bê tông và công trình vi phạm đã phải tháo dỡ và trả lại nguyên trạng đất trước khi vi phạm…. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, tất cả đều được giữ nguyên hiện trạng và tiếp tục xây dựng mới?
Thực trạng này cũng trái Chỉ thị số 36-CT/HU của Huyện ủy Ba Vì ban hành ngày 22/7/2019 về việc: Tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai; xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Ba Vì.
Chỉ thị số 36 nêu rõ: “Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Làm tốt công tác nắm tình hình tại cơ sở, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng ngay từ khi mới phát sinh; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị nào để xảy ra vi phạm trên địa bàn, lĩnh vực quản lý của mình mà không được xử lý kịp thời, kiên quyết thì phải chịu xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước”.
Có thể nói, công tác quản lý của chính quyền xã Yên Bài có dấu hiệu bị buông lỏng quản lý, dẫn tới trường hợp tự do sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không phép, mua bán trao tay trái pháp luật đối với đất nông trường được giao cho các hộ dân với mục đích canh tác.
Để chấm dứt tình trạng trên, đề nghị các cơ quan chức năng TP Hà Nội cần nhanh chóng kiểm tra và xử lý các trường hợp xây dựng trái phép. Đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý, để hàng loạt công trình sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại suốt thời gian qua.
Điều 59 Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức;
b) Giao đất đối với cơ sở tôn giáo;
c) Giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này;
d) Cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 56 của Luật này;
đ) Cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định;
b) Giao đất đối với cộng đồng dân cư.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được ủy quyền.
Điều 28 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: Nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà không đủ điều kiện quy định tại Điều 193 của Luật đất đai
Trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc mục đích sử dụng đất của dự án đối với diện tích nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm dưới 0,1 héc ta;
b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
d) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 03 héc ta trở lên.